Chim đã gọi tôi

1.

Chiếc lồng ra đi tìm kiếm một con chim. Sau khi viết ra câu đó, Franz Kafka gục xuống bàn, rơi vào một giấc ngủ sâu.

Thừa cơ, chiếc lồng bay ra khỏi trang giấy của ông, dấn mình vào một cuộc phiêu lưu.

Trên các trang giấy rời, Kafka tự tay đánh số các ý nghĩ bay lạc của mình. Và cái câu có “chiếc lồng” mang số 13. Trước đó là câu số 12 nói về con đường.

Giống như một con đường trong mùa thu: chưa kịp quét sạch thì nó lại phủ đầy lá chết.

Nhưng ta không biết cái gì giống như một con đường trong mùa thu. Đó là một công án chăng?

 

2.

Sự kiện chiếc lồng đào thoát khỏi bản thảo của Kafka làm các trang giấy xôn xao:

— Số 13 đâu?

— Nó ra đi.

— Đi đâu, đi đâu chứ?

— Làm sao biết được! Tại sao Kafka lại gọi nó là 13 cơ chứ? Đó là điều không nên. Tôi đã biết ngay từ đầu!

— Tôi vẫn còn nghe tiếng kêu của nó trên bầu trời.

— Không phải là tiếng kêu của nó. Đó là tiếng kêu của những chiếc phong linh treo quanh các nan lồng. Nghe đi: ling-ling, ling-ling, ling-ling…

— Không phải là tiếng kêu của phong linh mà là tiếng kêu của gió.

— Ồn quá! Ta chỉ nghe tiếng các người lao xao!

— Không phải tiếng của bọn ta. Đây là tiếng kêu của Kafka.

— Tiếng ngáy của Kafka.

— Tiếng cười của Kafka.

— Tiếng khóc của Kafka.

— Lắm chuyện! Chiếc lồng đi đâu nhỉ?

— Tìm kiếm một cái gì đó?

— Cái gì khác ngoài một con chim?

— Ra đi thì có gì hay kia chứ? Tôi chỉ thích ở nhà thôi!

 

3.

 

 

4.

Khi chiếc lồng bay qua tàng lá một cây dã hương linh thiêng, cây cất tiếng rì rào mà rằng:

— Thật là lố bịch! Ta sống hàng trăm năm nay trước cửa đình này, vậy mà chưa bao giờ nhìn thấy một cái lồng bay lung tung như mi! Mi không tự biết thân phận của mình. Mi đi tìm cái gì? Một cái chết ô nhục thế nào cũng dành sẵn cho những kẻ như mi.

Những loài cây thấp hơn đứng gần dã hương cổ thụ đồng thanh lên tiếng:

Đúng đấy, đúng đấy!

Cái lồng rỗng ơi,

Đi tìm bầu trời?

Đằng ấy là đồ ngốc!

Bầu trời rỗng không ấy

Cũng là cái lồng thôi!

Chiếc lồng vẫn bay, nhưng nó cay đắng nhắc lại lời hát của hàng cây thấp: Bầu trời rỗng không ấy, cũng là cái lồng thôi!

Khi chiếc lồng bay qua rừng trúc, một cây trúc già nói:

— Hãy xem cái lồng ngạo mạn đang bay lượn kia! Nó được làm bằng chất liệu gì nếu không phải là xương cốt của chúng ta? Vậy mà nó bay, nó bay!

 

5.

Khi chiếc lồng bay gần một con diều giấy thì chiếc sáo trên mình diều đang kêu vi vu chợt im bặt, rồi lên giọng gay gắt:

— Ôi, lũ phong linh! Bọn mi ồn quá! Bọn mi không biết âm nhạc là gì!

Chiếc phong linh lớn nhất đáp trả:

— Mi biết ư? Nếu như diều đứt dây thì mi biết cái gì, biết không?

Không thích gây gổ, chiếc lồng chao mình, lượn một vòng xa, tránh cánh diều đang nổi giận quay mình trong gió lớn.

 

6.

 

 

7.

Chiếc lồng bay đến cửa sổ một xưởng vẽ và tựa mình vào nóc cửa, tự treo lơ lửng.

Chàng họa sĩ trẻ tuổi tóc dài chấm vai đang sửa soạn vẽ một cái gì đó lên khung vải trên giá gần cửa sổ.

— Chào họa sĩ! Chàng có thể vẽ một cái gì đó cho tôi cất vào lòng mình, được không? Một cái gì đó chưa từng có trên đời?

Chàng họa sĩ trẻ đang cầm cọ quay nhìn chiếc lồng. Có thể thấy gương mặt rám nắng bồ quân của chàng bừng lên một ánh hân hoan bất ngờ.

— Lồng ơi, ta cũng đang tìm kiếm điều mà mi ao ước! Đợi một chốc nhé, ta sẽ vẽ điều gì đó cho mi.

Và chàng họa sĩ vẽ lên khung vải một quả trứng to gần bằng chiếc lồng.

Ngạc nhiên quá đỗi, chiếc lồng nhìn sửng quả trứng xinh đẹp trắng muốt đứng kiêu hãnh giữa một nền trời thanh thiên bình lặng.

— Một quả trứng ư? Trứng gì mới được chứ?

Chàng họa sĩ mỉm cười.

— Quả trứng chưa được biết tới. Vì ai biết nó sẽ nở ra cái gì? Hãy mang nó đi!

Họa sĩ vừa dứt lời thì quả trứng rời khỏi khung vải, cất mình bay qua cửa sổ, lướt qua chiếc lồng và nói:

— Ta là quả trứng huyền bí. Ta không muốn đi vào một cái lồng.

Khi mà trứng vỡ ra

Ai biết cái gì sẽ đến?

Kể cả bản thân ta!

Có thể đó là bão tố

Có thể đó là tà ma

Có thể đó là hồng thủy

Hay niềm hy vọng hoan ca?

Khi mà trứng vỡ ra

Ha ha ha ha!…

Và quả trứng bay vút vào không gian vô tận sau khi trút vào cửa sổ một tràng cười hoang dã kỳ bí.

Chàng họa sĩ trẻ nhún vai:

— Lồng thấy đó, ta chỉ là người chết đứng trước tác phẩm của ta, nó có sinh mệnh của nó. Ta biết làm gì hơn?

Chiếc lồng nói:

— Tôi biết. Quả trứng đó sẽ nở ra điều mà tự nó cũng chưa biết. Tôi là một cái lồng không muốn có một khung lồng giới hạn. Cám ơn họa sĩ, tôi đi đây.

Và chiếc lồng tiếp tục lên đường.

 

8.

 

 

9.

Tôi đón đợi chiếc lồng. Và quả nhiên, nó xuất hiện trước mắt tôi.

— Nhà thơ, ông có gì cho tôi chứ?

— Ta có một câu thơ.

— Được. Câu thơ là một cái gì đó giống như một con chim nhưng nhẹ hơn.

— Chim đã gọi tôi và tôi đã đến, câu thơ của Yves Bonnefoy.

— Tôi không đi tìm một con chim. Nhưng đây là thơ. Và thơ là cái gì chứ nếu không phải là phiêu lưu? Cám ơn ông, tôi sẽ mang linh hồn của câu thơ này và bay đi.

Chiếc lồng chao mình một cái rồi tung mình lên không.

 

10.

Tôi thức dậy khi ai đó gọi tôi. Tôi vừa mơ trên những trang sách của K.

Nhưng tiếng gọi từ đâu đến tôi không biết. Có tiếng gọi đó không?

Hay ngay cả tiếng gọi cũng là giấc mơ.

About nhatchieu

- Nhà Văn Nhật Chiêu (04/03/1951): Giảng viên tại Đại học KHXH và NV Tp Hồ Chí Minh Việt Nam. - Lĩnh vực nghiên cứu: về văn học Nhật Bản và thế giới, đã viết nhiều sách và truyền cảm hứng về văn học cho rất nhiều thế hệ học trò - Tác phẩm đã in: Nhiều sách nghiên cứu văn học và tác phẩm văn chương
This entry was posted in TRUYỆN NGẮN - SÁNG TÁC and tagged , . Bookmark the permalink.

Leave a comment